Có thể nói, chặng đường 5 năm vừa qua là giai đoạn lao động nghệ thuật đầy gian khó nhưng cũng nhiều hiệu quả của sân khấu truyền thống tỉnh nhà, đặc biệt để lại dấu ấn đậm nét qua những cuộc thi tuồng, dân ca.
Một cảnh trong vở Nước non cửa Phật.
Liên tiếp từ năm 2013 - 2016, hai đơn vị sân khấu truyền thống trong tỉnh là Nhà hát tuồng Đào Tấn (NHTĐT) và Đoàn ca kịch bài chòi (ĐCKBC) luôn bận rộn và nỗ lực cho những cuộc thi do Bộ VH-TT&DL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu (NSSK) Việt Nam tổ chức. Tiêu biểu như, hai cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (SKCNTQ) tuồng và dân ca kịch (năm 2013, 2016); hai cuộc thi tài năng trẻ diễn viên (DV), một cho tuồng và một dân ca (cùng năm 2004); cuộc thi hòa tấu - độc tấu cho dàn nhạc và nhạc cụ truyền thống (năm 2004); Liên hoan các vở diễn của tác giả tuồng Tống Phước Phổ (năm 2015)… Trên tất cả các “sân chơi” chuyên môn lớn này, đại diện sân khấu Bình Định đều đạt thành tích ấn tượng.
1.
Thành quả mở màn cho giai đoạn này được tạo nên từ vở diễn “Khúc ca bi tráng” của ĐCKBC. Câu chuyện lịch sử cảm động giữa hai vị anh hùng ở hai chiến tuyến - Võ Tánh và Trần Quang Diệu - trong cuộc công hãm thành Quy Nhơn cách nay hơn hai trăm năm - lần đầu tiên được đưa lên sân khấu bài chòi.
“Lao động nghệ thuật miệt mài bất kể đã về hưu, luôn trăn trở về bảo tồn di sản và tâm huyết truyền nghề cho lớp trẻ là ba nét “truyền thống” của những người hoạt động sân khấu Bình Ðịnh” NSND Hòa Bình - Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Bình Ðịnh |
Tại Cuộc thi SKCNTQ tuồng và dân ca kịch năm 2013, vở diễn này đã đoạt: giải Vở diễn xuất sắc nhất, giải Tác giả xuất sắc nhất (Văn Trọng Hùng - Đoàn Thanh Tâm) và 2 HCV, 3 HCB cho 5 DV tham gia vở. Sau đó, “Khúc ca bi tráng” nhận tiếp Giải thưởng của năm (2013) của Hội NSSK Việt Nam, gồm giải A cho vở diễn và giải Đạo diễn xuất sắc nhất (NSND Hoài Huệ - Trưởng ĐCKBC Bình Định).
Tại hai cuộc thi tài năng trẻ DV tuồng và dân ca năm 2014, các DV trẻ của 2 đơn vị nghệ thuật tham gia tranh tài đều mang về những thành tích cao. Trong đó, NHTĐT đoạt 1 HCV (DV Thu Thẳm), 2 HCB (DV Thái Phiên, DV Cẩm Nhung) và hai Bằng khen của Hội NSSK Việt Nam (DV Đức Thành, DV Tuấn Long).
Nhưng có lẽ đáng ghi nhận hơn là thành tích của DV trẻ ĐCKBC: HCV của DV Thùy Dung và HCB của DV Bạch Lan. Đó là một cuộc thi mà 14/15 đơn vị nghệ thuật tham gia đều thuộc chuyên ngành cải lương. ĐCKBC Bình Định vô tình trở thành đại diện duy nhất của ngành dân ca bài chòi cả nước “mang chuông đi đánh xứ người” với một lực lượng cải lương hùng hậu. Trong số 7 người đoạt HCV, có tên đại diện của Bình Định! Cùng với HCB của DV Bạch Lan, Đoàn là 1 trong số 4/15 đơn vị đoạt 2 huy chương, đồng hạng với một số đơn vị nghệ thuật lớn của cả nước là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) và Nhà hát Cải lương Hà Nội… Ngoài ra, diễn viên Hoài Nam của Đoàn (tham gia phụ diễn trong trích đoạn dự thi của DV Thùy Dung) còn đoạt giải Nghệ sĩ phụ diễn xuất sắc.
2.
Thành tích ấn tượng và mới nhất của sân khấu Bình Định là ở Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc vào cuối tháng 8.2016 tại Đà Nẵng. NHTĐT đã giành 1 trong số 3 tấm HCV dành cho vở diễn (trên tổng số 17 vở diễn tham gia Cuộc thi), cùng 3 HCV, 2 HCB cá nhân của DV.
Với HCV vở diễn của NHTĐT, điều đáng nói ở đây là, tham gia Cuộc thi với vở tuồng “Nước non cửa Phật”, đại diện của tuồng Bình Định đã “không hẹn mà gặp” về đề tài với Nhà hát tuồng Việt Nam - cũng dự thi vở “Phật hoàng Trần Nhân Tông”. Đây là vở diễn mà ngay từ lần đầu ra mắt (nhân kỷ niệm 707 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông về cõi niết bàn) đã rất được giới chuyên môn đánh giá cao, được truyền thông chú ý tuyên truyền. Cạnh tranh cùng đề tài với một đơn vị nghệ thuật trung ương, phần thưởng cao nhất đã thuộc về NHTĐT, điều ấy nói thay giá trị của tác phẩm này.
ĐCKBC kỳ này tuy không nhận được huy chương vở diễn song dấu ấn để lại cũng rất đậm nét. Trong đó điểm đáng ghi nhận nhất, tương tự như vở “Khúc ca bi tráng” trước đó, vở diễn dự thi kỳ này - “Hồn tháp” - là tác phẩm nghệ thuật rặt ròng của người Bình Định. Trong khi phần lớn đơn vị nghệ thuật đều phải tìm kịch bản của tác giả ngoài địa phương để xây dựng vở diễn hoặc mời đạo diễn ngoài đơn vị về làm vở thì vở diễn này là sản phẩm “nguyên chất” của người Bình Định, từ kịch bản (tác giả Văn Trọng Hùng) đến chuyển thể (NSƯT Tấn Hào của Đoàn), đạo diễn (NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn) và các DV bài chòi Bình Định biểu diễn. Đây chính là nét riêng thú vị, là điều tự hào của Bình Định tại sân chơi chuyên môn này.
Một điều tự hào nữa của Bình Định tại Cuộc thi trên, duy nhất một giải Đạo diễn xuất sắc nhất lại thuộc về người Bình Định, đó là NSND - đạo diễn Hoài Huệ (dựng vở “Vụ án Lệ Chi Viên” của Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế).
3.
NSND Hòa Bình vừa được hội viên tín nhiệm bầu tiếp tục làm Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Bình Định nhiệm kỳ V (2017 - 2022) chia sẻ, lao động nghệ thuật miệt mài bất kể đã về hưu, luôn trăn trở về bảo tồn di sản và tâm huyết truyền nghề cho lớp trẻ là ba nét “truyền thống” của những người hoạt động sân khấu Bình Định.
Hoạt động sân khấu cuối năm 2016 lại bận rộn, chuẩn bị cho những cuộc thi sẽ diễn ra năm 2017, dựng vở mới… ĐCKBC đang tích cực luyện tập để hoàn thành dựng vở mới “Hòn Vọng phu”. 7 DV trẻ của NHTĐT đăng ký tham gia Cuộc thi tài năng trẻ DV sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc - 2017 đang nỗ lực tiếp nhận tinh hoa nghề nghiệp mà các thầy tâm huyết truyền thụ.
NSND Hòa Bình cho biết: “Truyền dạy cho các em đi thi tài năng trẻ sắp tới, ngoài những nghệ sĩ đang công tác thì nghệ sĩ về hưu chúng tôi (NSND Phương Thảo, NSƯT Tuyết Mai) cũng tham gia, dốc hết tâm sức truyền nghề cho lớp trẻ”.
Theo Báo Bình Định