Sinh ra trong gia đình mê hát bội, lại được học tuồng với danh ca, NSƯT Hoàng Chinh từ nhỏ, nghệ sĩ Kim Huệ luôn nằm trong “top” đào hạng nhứt của hát bội không chuyên Bình Ðịnh. Khi cùng chồng là ông Ngô Ngọc Trí lập ra Ðoàn tuồng không chuyên Sao Mai, “bà bầu” (người đứng đầu hay chủ nhân một đoàn hát) Kim Huệ rất chịu khó tìm kiếm, khuyến khích, đào tạo người trẻ cho nghiệp tổ.
Nghệ sĩ Kim Huệ trong vai Phàn Lê Huê tại Liên hoan tuồng không chuyên toàn tỉnh năm 2011
Theo nghệ sĩ Kim Huệ, sau khi học tuồng ở nhà vợ chồng danh ca Hoàng Chinh - Hồng Thu một thời gian dài, bà bắt đầu đi hát cho nhiều đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh.
Yêu tuồng một cách mạnh mẽ và hồn nhiên, hơn nữa, xác định làm nghề để học nghề, đoàn phân vai nào, Kim Huệ làm vai nấy, không tranh vai chính và cũng không chê vai phụ. Khả năng nhận vai đa dạng là thế mạnh giúp Kim Huệ làm nghề thuận lợi.
Ði “hát mướn” khoảng 10 năm, năm 32 tuổi, Kim Huệ cùng chồng là ông Ngô Ngọc Trí lập ra Ðoàn tuồng không chuyên Sao Mai. Từ đây, niềm yêu mê hát bội, nhiệt huyết với nghiệp tổ ở người nữ diễn viên này càng tăng gấp bội và có thêm những nỗi
lo mới.
“Lập Ðoàn, mới đầu chỉ nghĩ để vợ chồng sát cánh, nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhưng làm “bầu” rồi mới thấy, mình phải tổ chức, quản lý sao cho Ðoàn mạnh về chuyên môn, nội bộ đoàn kết, đời sống diễn viên ngày một sung túc… Trong đó, lo nhất là tìm người trẻ, người mới bổ sung cho Ðoàn, cho hát bội không chuyên Bình Ðịnh nói chung…” - “bà bầu” Kim Huệ tâm sự.
Mang mối lo thiếu người kế cận, bà Kim Huệ từng vận động được 5 thanh niên có khả năng ở địa phương, trai có gái có, đến nhà dạy tuồng, không những không lấy tiền dạy mà còn bao ăn ở, lòng nuôi kỳ vọng 5 con người ấy trong tương lai sẽ thành kép, thành đào. Nhưng 3 người trong số họ chỉ theo tuồng được một thời gian, đến khi lập gia đình thì bỏ nghề. Lý do của chuyện ít người chịu học nghề tuồng hoặc bỏ nghề giữa chừng, phần nhiều bởi tuồng quá khó, phải mất 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm mới lên sân khấu diễn được. Khó vậy mà thu nhập từ nghề thì “bạc” so với nỗi nhọc nhằn, tâm sức đổ ra…
“Học trò” của “bầu Huệ” giờ chỉ còn 2 người, hiện đang đi diễn cho Ðoàn là Hà Quốc Vương và Lê Thị Hòa. Quốc Vương tầm 40 tuổi, còn Hòa chỉ trên 25 tuổi, là diễn viên trẻ nhất của tuồng không chuyên trong tỉnh. Cả hai cùng chung tâm sự, họ theo tuồng phần vì cảm kích tâm huyết truyền dạy không mệt mỏi, liên tục tạo điều kiện của “chị Mười”, “cô Mười” - cách gọi quen thuộc ở địa phương đối với nghệ sĩ Kim Huệ. Còn “bầu Huệ” thì vẫn than thở: Tìm, đào tạo và giữ chân cho tuồng mới chỉ 2 người là quá ít; phải được chừng 5 hay lý tưởng là 8 - 10 diễn viên cùng lứa thì mới thành đoàn được, mới tạo ra một thế hệ diễn viên mới cho tuồng không chuyên được. Nhưng “bói” đâu ra?
Tôi hiểu nỗi đau đáu đó ở nghệ sĩ Kim Huệ, nhưng làm được như chị, đã là việc rất đáng ghi nhận và không dễ dàng gì…
Một số thành tích của nghệ sĩ Kim Huệ: + Giải A vai Phàn Lê Huê trong vở “Ðường Chinh Tây” tại Liên hoan tuồng không chuyên toàn tỉnh năm 2011. + Giải A vai Phương Cơ trong trích đoạn “Lão Tạ sa cơ”, vở “Tam nữ đồ vương” tại Liên hoan trích đoạn tuồng Ðào Tấn năm 2015. |
Theo Báo Bình Định