Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh trường THPT Hoài Nhơn 2 Nguyễn Trân.
Những ngày cuối năm thật bận rộn cho tất cả mọi người, nhất là công việc mưu sinh của những người con đang học tập và làm việc xa quê hương. Trong dòng người hối hả nhộn nhịp không ngừng từ sáng sớm tới tối khuya giữa lòng thành phố, đã có bao nhiêu người con của Nguyễn Trân tạm đủ lông cánh bay ra khỏi tổ và chắc có lẽ trong một phút giây nào đó chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về tuổi thơ của mình, những ngày được sống vô tư cắp sách tới trường, bên thầy, bên bạn trong chiếc nôi Nguyễn trân thân yêu. Sao bây giờ cuộc sống cứ hối hả, cứ khó khăn không dừng lại và sự nỗ lực của mỗi chúng ta cũng không dừng lại. Chiều hôm nay - một buổi chiều cuối tuần, cô được ngồi yên ổn một mình để trăn trở nhiều điều trong cuộc sống hiện tại. Thời gian coi vậy mà trôi quá nhanh, nhớ ngày đầu tiên thầy hiệu trường Phan Ngọc Bộ và thầy Nguyễn Trương vào TP.HCM để vận động cho lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường đến nay mà đã thấm thoát 4 năm rồi. Việc làm ra tiền đã khó, việc quyên góp tiền của người khác thật sự khó hơn, tổng số tiền thu được trong ngày vận động là 12.600.000đ , trong khi kinh phí nhà trường dự kiến cho toàn bộ lễ kỷ niệm khoảng 450 triệu đồng. Trăn trở về điều này, như một sự ngẫu nhiên trong hoàn cảnh có vấn đề, hội cựu giáo viên học sinh Hoài Nhơn 2 Nguyễn Trân được thành lập dựa trên sự tự nguyện của tất cả các thành viên Cô còn nhớ ngày họp đầu tiên của hội - Trong phòng họp gần như không ai biết ai, chỉ có Cô và thầy Trần Lâm là đồng nghiệp cùng dạy nên biết nhau, còn lại các em học sinh lần lượt mỗi em tự giới thiệu tên và công việc đang làm, để có thể giúp được gì cho cuộc vận động này. Có một người thanh niên ốm xanh, mặc chiếc áo khoác đã cũ nói rằng: “Thưa thầy cô, em đã tốt nghiệp ĐH CNTT, có thể lập và quản lý trang web”. Người thanh niên thứ hai nhiều tuổi hơn, mặc chiếc áo màu hồng nói rằng: “ Thưa thầy cô, vợ em mới sinh được một cháu trai, em có thể tài trợ tiền để thành lập trang web truyền bá thông tin cho nhanh và rộng rãi." Tiếp theo, một em thanh niên cao ráo giới thiệu “ Em là giảng viên đang giảng dạy bộ môn triết học, em có thể duyệt được bài để đưa lên trang web”. Tiếp theo nữa là một anh thanh niên ốm mảnh, nhỏ nhẹ nói rằng: “ Thưa thầy cô, em tốt nghiệp ĐH Ngân Hàng, đang làm trưởng chi nhánh Ngân Hàng, em có thể quản lý tiền cho Hội”. Một anh thanh niên có khuôn mặt tròn trịa đầy đặn thưa rằng: “ Em là Designer thiết kế, hỗ trợ hình ảnh được cho trang web”. Anh thanh niên có khuôn mặt khoáng đạt :” Em có quán café rộng rãi thoáng mát, Hội cứ về đây họp hành, uống café thoải mái”. Một anh thanh niên có dáng dấp một công tử nói rằng:” Việc này coi vậy mà lớn dần, cần phải soạn ra tôn chỉ và mục đích hoạt động của Hội rõ ràng. Cần tìm người đảm trách việc soạn này, và làm sao để có được khoản tiền lớn như nhà trường dự kiến ban đầu”. Ngồi ở góc bàn là một cô gái nhỏ nhắn chăm chú nghe và viết biên bản cuộc họp. Cuộc họp đầu tiên cứ thế kéo dài cho đến cuối buổi, khi ra về hai vai mỗi người ai nấy như nặng thêm bởi một trách nhiệm quá lớn vô hình. Cuộc họp thứ hai: Cũng vào một buổi chiều cuối tuần, chú Long chồng cô chở cô và Phạm Vũ Phiên, người thanh niên chịu trách nhiệm lập và quản lý trang web đến nhà Ưng Sơn Ca để bàn bạc thảo luận các hạng mục cho trang web và nhờ Ưng Sơn Ca soạn tôn chỉ và mục đích hoạt động cho Hội. Ngày hôm nay, không may nhà có khách nên cuộc họp chỉ có 3 người tạm ngồi khiêm tốn 1 góc. Sau những giờ suy nghĩ đầy căng thẳng, các hạng mục trang web đã được quyết định đặt tên và tôn chỉ hoạt động của Hội đã được Ưng Sơn Ca viết xong, trong một buổi chiều bên hiên nhà được ngồi họp theo kiểu ngồi của người Nhật Bản. Có 1 hạng mục cô nghĩ mãi không ra để đặt tên, là hạng mục để ghi lại những đóng góp bằng tình cảm,bằng ý tưởng, bằng hiện vật dành cho Nhà trường thông qua Hội, cuối cùng Phiên reo lên “ Em nghĩ ra rồi: Của để dành – Đó là hạng mục Của Để Dành”. Sau này có rất nhiều cuộc Họp nữa, mỗi lần Họp là một lần tất tả ngược xuôi của các thành viên đã dành thời gian và tình cảm quý giá của mình cho Hội. 4 năm là một quãng thời gian không dài so với một đời người, nhưng đối với bản thân cô, khi được làm việc cùng các em học sinh trưởng thành từ trường Hoài Nhơn 2 Nguyễn Trân, là 4 năm cô cảm nhận và hiểu được rõ ràng rằng, ngôi trường này là một chiếc nôi đầy ắp tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm của tập thể các thầy cô giáo, và là nơi thật sự thành công trong sự nghiệp trồng người. Cô hi vọng và tin tưởng: Dưới rặng dừa xanh bát ngát, ngôi trường Hoàn Nhơn 2 Nguyễn Trân sẽ mãi mãi là niềm tự hào cho nhiều thế hệ của quê hương. Dẫu biết rằng cuộc sống muốn chúng ta sống trong cái ngăn kín của hiện tại, nhưng ngày 18/11/2012 sắp tới, hãy để cho mỗi người con Nguyễn Trân, được trọn một ngày sống trong bầu không khí của tuổi thơ quá khứ, ngày mà mỗi chúng ta được gặp lại thầy cũ, bạn cũ, trường xưa ở giữa đất Sài Gòn. TP.HCM ngày 10.11.2012 Xin cảm ơn và trân trọng kính chào |