logo
Trang chủ / Tin tức

Nghệ sĩ tuồng không chuyên: Chuyện mưu sinh mùa đói “tờ”

Ngày đăng: 27-10-2016

Trong một năm, mùa diễn của tuồng không chuyên (TKC) bắt đầu từ tháng Giêng đến khoảng tháng 7 (âm lịch), từ đó đến tận tháng Giêng năm sau là mùa “đói tờ”. Suốt những tháng dài nghỉ khan này, nghệ sĩ TKC đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền, với đời thường nhọc nhằn hơn lúc nào hết.

Có hợp đồng biểu diễn, các nghệ sĩ chân đất quen gọi là có “tờ” đồng nghĩa với có thu nhập, dẫu là ít ỏi nhưng cũng đủ an ủi họ, động viên họ rướn mình với nghệ thuật. Nhưng...

 


Diễn viên mới vào nghề Hà Quốc Vương tại công trình kênh mương nội đồng nông thôn mới ở thôn Hòa Nghi.

1.

Khoảng 2 tháng nay, Đoàn TKC Sao Mai (TX An Nhơn) vào mùa nghỉ, Lê Thị Hòa - cô diễn viên “út” của Đoàn - lại vào chỗ làm quen thuộc của mình 2 năm nay: tổ chà nhám, Công ty chế biến lâm sản 19 (nằm trong Khu Công nghiệp Nhơn Hòa). Suốt khoảng 5 tháng ròng rã mùa nghỉ, dường như Hòa chỉ còn nhớ mình là công nhân gỗ, ngày ngày dỡ cơm đến xưởng trước 6 giờ để vào ca, chiều 17 giờ tan ca vội vàng đến nhà trẻ đón con gái.

Cũng tranh thủ xoay nghề khác như Hòa, tại một đoạn kênh mương nội đồng thuộc thôn Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) đang trong quá trình thi công, diễn viên Hà Quốc Vương (cũng thuộc Đoàn TKC Sao Mai) mướt mồ hôi đóng cọc, xúc bê tông. Anh cười bảo: “Cỡ diễn viên hạng nhứt nhì như anh Tấn đây, mùa nghỉ còn làm thợ hồ “sặc gạch”, huống chi kép con như mình”, anh Vương nói như phân trần khi thấy diễn viên - thợ hồ Võ Minh Tấn (cùng địa phương, cùng Đoàn) hết nửa buổi thợ, có việc đi ngang.

Võ Minh Tấn là một trong số diễn viên cứng cựa trong giới tuồng không chuyên, tuy không là kép chính nhưng đóng dàn bao thì khó ai bì, hơn nữa với thế mạnh rộng vai nên diễn viên này rất đắt sô. Tuy nhiên, đến mùa nghỉ, diễn viên Minh Tấn lại gắn chặt với cái bay thợ hồ.

“Tầm này các năm trước, mình đang làm thợ hồ ở xa như Sài Gòn, Đắk Lắk. Năm nay, thời tiết êm êm, một số nơi có cúng thu, thỉnh thoảng có “tờ” nên mới ở nhà không đi, hơn nữa, lý do chính là đang tính vận động, gom mấy đứa trẻ con em bạn hát để truyền nghề, đặng mai mốt còn có người kế nghiệp, chứ tình hình vầy căng quá!”, ông Tấn cho biết.

Rồi như đụng đến nỗi tâm tư chan chứa, diễn viên Tấn thần người, kể, trong năm qua, TKC Bình Định vĩnh viễn mất đi 4 người: Lễ (Đoàn Ánh Dương); Thu, Hiệp (Đoàn An Nhơn 2), Trì (Đoàn Tuy Phước), trong khi người mới, người giỏi để điền vào chỗ trống ấy thì không có... Lớp trẻ nhìn vào thấy cái nghề đã khó, khổ, lại kiếm cơm chỉ được nửa năm nên... chạy dài. “Tuần trước có việc vào Quy Nhơn, trên đường về ngang qua phường Nhơn Bình, ghé nhà anh Công (diễn viên Trương Thành Công, cùng Đoàn) chơi, gặp ổng đang quần xăn ống thấp ống cao gánh phân đổ ruộng. Không riêng gì kép Công - người có mức lương cao nhứt TKC Bình Định hiện nay với 600 ngàn đồng cho 1 đêm diễn - mà mọi nghệ sĩ tuồng chân đất đến mùa nghỉ đều bươn chải đủ nghề”, ông Tấn khẳng định.

 


Vào mùa nghỉ diễn viên trẻ Lê Thị Hòa lại vất vả với công việc tại tổ chà nhám của Công ty chế biến lâm sản 19.

2.

Trưởng đoàn các đoàn TKC trong tỉnh cũng khẳng định, nghệ sĩ TKC, diễn viên, nhạc công, thậm chí bầu chủ, tất thảy ai cũng có vài ba cái nghề lận lưng để “ứng phó” trong mùa nghỉ. Chiếm đa số và ổn định hơn là làm nông, thợ hồ, công nhân, bấp bênh hơn thì đi buôn chuyến, đi hái cà-phê, tiêu, điều mướn ở các tỉnh xa.

“Mùa nghỉ, anh em bạn hát chủ yếu hỏi thăm nhau qua điện thoại, động viên nhau đi qua mùa khó, nhắc nhau có xuôi ngược làm ăn đâu cũng bảo trọng, giữ sức khỏe đặng còn gặp nhau mùa diễn tới. Lệ thường mùa này, bầu chủ nào cũng trữ sẵn trong tay vài chục triệu đồng, để kịp thời cho bạn hát tạm ứng trước, khi nhà có việc cần, nhất là trong dịp tháng Chạp để lo cái Tết tươm tất cho gia đình”, Kim Huệ - bà bầu của Đoàn TKC Sao Mai, tâm tình.

Với nghệ sĩ tuồng chân đất, mùa nghỉ, xen lẫn nỗi mệt nhọc mưu sinh là cảm giác nhớ nghề đến quay quắt. Với nhiều diễn viên nữ, một trong những cách để họ vơi nỗi nhớ, đồng thời chuẩn bị cho mùa diễn mới là chăm chút, sửa soạn kho phục trang. Mỗi trưởng đoàn có kho phục trang, đạo cụ cho đoàn, song từng diễn viên cũng tự sắm những bộ trang phục “vía” cho các vai sở trường.

Đến thăm nhà vợ chồng diễn viên Kim Chung – Hùng Cườm (thôn An Hòa 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước), “đệ nhứt nữ giả nam” Kim Chung khoe đôi hia mới. “Giá thị trường một đôi là 1 - 2 triệu đồng. Nhưng làm cho bạn hát không chuyên, anh Ngọc (NSND Minh Ngọc ở Nhà hát tuồng Đào Tấn - người nổi tiếng với tài làm hia tuồng Bình Định) chỉ lấy có 700 ngàn đồng thôi. Mang nghiệp vào thân, chuyên hay không đều khó khổ như nhau, anh em hiểu và chia sẻ cho nhau như thế, tôi rất cảm động”, chị chia sẻ.

Mùa nghỉ, cứ rảnh mấy sào ruộng và đàn bò là đôi vợ chồng nghệ sĩ này lại tỉ mẩn chăm chút phục trang biểu diễn, chồng may, vợ kết cườm... Diễn viên Hùng Cườm cho hay, không riêng gì vợ chồng anh, thời gian này, các bạn hát của Đoàn TKC Trần Quang Diệu cũng tất bật với các nghề lao động tay chân khác: vợ chồng bầu chủ Hạnh - Bạn với nghề may trang phục tuồng và làm nông tại nhà; diễn viên Thanh An nghỉ mùa hát thì quay sang làm thợ vôi; nhạc công Đạo thì có nghề chơi nhạc lễ, diễn viên Tấn kiếm thêm bằng nghề làm non bộ...

***

Thật ngẫu nhiên, cả 6 nghệ sĩ tuồng tôi gặp hôm ấy đều tâm tình giống nhau: ơn Trời, năm nay thời tiết hiền, nhà nhà đỡ mất mát hao hụt tiền của, hi vọng nhờ đó mà các bầu chủ ký được nhiều “tờ” để mùa diễn mới anh em nghệ sĩ tuồng chân đất được ấm thân. Mong cho qua ngày đoạn tháng để tới Giêng, trở lại sân khấu, chứ mấy tháng ròng nghỉ diễn, nhớ nghề muốn đổ bệnh!

 Theo Báo Bình Định

Ý kiến của bạn

Góc ảnh đẹp
Xem tất cả