logo
Trang chủ / Tin tức

Mái trường thân yêu (1 bài viết của Thầy Phan Ngọc Bộ - cựu hiệu trưởng nhà trường)

Ngày đăng: 27-11-2017

Thầy Phan Ngọc Bộ - Cựu Hiệu Trưởng


Cách đây 30 năm, ngày 5 tháng 9 năm 1980, khóa đầu tiên của một trường mới được khai giảng và học nhờ tại trường cấp 3 Hoài Nhơn( Nay là trường THPT Tăng Bạt Hổ). Cuối năm 1980 đầu năm 1981, 9 thầy cô giáo cùng 97 học sinh rời trường cấp 3 Hoài Nhơn về học tập tại Trường cấp 3 Hoài Nhơn 2. Kể từ đó, cái tên trường cấp 3 Hoài Nhơn 2 được mọi người biết đến và là địa chỉ tin cậy của con em nhân dân 6 xã cánh bắc Hoài Nhơn.

Ngày đó nói là trường cho sang, chứ nó chỉ mới có 2 dãy lớp 6 phòng học cấp 4, cánh cụp cánh xòe do các xã đóng góp xây dựng theo yêu cầu của Huyện để sớm có trường cho con em học. Xung quanh là mồ mả dày đặc với hơn 2000 cái, cây gai rậm rạp nơi rắn rết trú ngụ và bom mìn còn sót lại, không có đường vào, không có tường rào cổng ngỏ. Có thể nói khởi đầu mở trường là con số không.

Khởi đầu, chân ướt chân ráo về trường, mìn đã nổ anh Nguyễn Thân( dân quân xã Tam Quan Bắc đi rà phá bom mìn cho trường), người con duy nhất của mẹ Lự hy sinh tại sân trường, để lại mẹ già, vợ và 2 con nhỏ. Thêm vào đó 2 giếng của trường lấy nước đi xét nghiệm bị ô nhiễm nặng không dùng được phải đi gánh nước bên ngoài về dùng. Vì vậy, khi về trường ngoài việc khó khăn về cơ sở vật chất, thầy và trò còn lo sợ về bom mìn, rắn rết, ô nhiễm và bệnh tật.

Nhưng vì sự tha thiết của nhân dân, của phụ huynh học sinh muốn có trường gần để cho con em họ khỏi bị thất học, vì sự hiếu học và nỗ lực vươn lên của các em học sinh. Hơn thế nữa, nhân dân 6 xã phía Bắc huyện Hoài Nhơn, gồm Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Hảo, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Thanh là những địa phương anh hùng trong chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ cứu nước, có nhiều đóng góp cho Cách mạng. Thầy và trò chúng ta chấp nhận khó khăn vất vả, thiếu thốn và nguy hiểm, đến với trường và gắn bó với trường.

Thầy và trò cùng đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn vừa dạy vừa học, vừa lao động xây dựng trường, biến mảnh đất hoang vu cây gai rậm rạp, rắn rết, mồ mả và bom mìn thành mảnh đất vàng cho giáo dục, cho tương lai. Chúng ta đã biến cơ sở vật chất từ số không trở thành trường có đủ cơ sở vật chất khang trang, phục vụ tốt cho dạy và học cùa thầy và trò.

Nhớ Chị Thuân, người Hiệu trưởng đầu tiên, người chị cả của trường, mặc dù con nhỏ vẫn bám trụ tại trường, đi gõ cửa khắp nơi xin kinh phí để trường hoạt động. Một mình chưa đủ, Chị huy động cả gia đình chăm lo công việc chung của trường. Thương anh Hiệp chồng chị, tuy đã về hưu vẫn chạy đôn chạy đáo lo chở bàn ghế, nhận sách, nhận thiết bị cho trường, chăm lo việc của trường như việc của nhà mình không kể ngày hay đêm.

Nhớ 2 cô giáo đầu tiên về trường, cô Hồng dạy thể dục và cô Nga dạy hóa, thương cho các cô chân ướt chân ráo mới ra trường, phải về một trường ở nông thôn mới thành lập. Làm sao quên được những ngày các cô phải ở khu nhà xung quanh là bãi tha ma vắng vẻ, đêm đêm thức soạn bài bên ngọn đèn dầu, vừa nghe tiếng chim lợn kêu, ếch nhái côn trùng rả rích, là con trai cũng nổi da gà huống chi là cô giáo trẻ.

Nhớ các thầy cô từ Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên vào, đó là thầy Long, thầy Duân, thầy Trung, thầy Lợi, thầy Sơn và sau có thầy Hữu, cô Cương, thầy Bảng, cô Vân, xa gần ngàn cây số về với trường, về với quê hương Hoài Nhơn, hết lòng vì học sinh Hoài Nhơn. Lớp học trò ngày ấy mãi nhớ ơn các thầy cô cho các em cái chữ, cho các em tình yêu thương.

Nhớ những ngày đầu thầy trò cùng nhau lên rừng lấy củi, bán lấy tiền làm nhà tập thể. Nhớ La Vuông lao động chặt mía, thầy trò cắm trại cùng ăn ở( 5 – 7 ngày), thầy cô canh giấc ngủ cho các em và thức để gọi các em thay ca đưa mía cho che ăn.

Nhớ những lần đi lao động đắp đường, đào nương, trồng cây ở Tam Quan Nam, ở Trung Lương, thầy trò cùng ăn cùng ở, thầy cô cũng đóng tiền, đóng gạo. Các em chê gạo kho hôi và sạn không nhận. Nhưng thầy biết các em không nhận vì thương thầy cô lương ít, gạo tiêu chuẩn dộn nhiều. Rồi thầy trò cùng nhau lao động xây dựng cơ ngơi của mình bằng việc thu dọn cây gai, bom mìn, mồ mả. Đề cho các em yên tâm, thầy đi trước như người lính công binh thực thụ, gặp rắn bắt rắn, gặp bom mìn gở bom mìn. Nhiều lúc lao động các em chạy tán loạn, la hốt hoảng vì có rắn, có bom thầy đến gở, đến bắt. Rồi chuyện bốc mồ mả, xử lý môi trường cũng thật gian nan, vừa vận động dân tự giác bốc vừa xin kinh phí để bốc chuyển, thầy và trò cùng nhau rãi vôi san lấp, mãi đến 1985 mới hoàn thành, người bị nổi mẩn ngứa, nổi phong chữa mãi mới khỏi. Những năm tháng đó thật là gian khổ mà vui đến lạ kì vì thầy trò gắn bó, hiểu nhau hơn, thương yêu nhau và lo lắng cho nhau. Thầy lo các em học hành, mừng vì các em không bỏ học, trò lo cho thầy khi lương chậm, gạo thiếu góp gạo cho các thầy mượn, lo bữa cơm, giấc ngủ cho thầy cô khi đi lao động tập trung hay đi cắm trại.

Năm năm sống chung với mồ mả, học cùng những thây ma, với trường mới đầy khó khăn và thầy cô giáo mới chưa có kinh nghiệm giảng dạy, nhưng chất lượng của chúng ta thật tuyệt vời. Thi tốt nghiệp đạt trên 90%, có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, đặt biệt em Hoàng Thanh Xuân(khóa 2) đạt học sinh giỏi quốc gia môn Văn. Nhiều em nay đã thành danh, thành tài và thành đạt, nhiều em là cán bộ Tỉnh, Huyện, Xã( Hoàng Thanh Xuân, Nguyễn Thành Thư, Nguyễn Văn Ý, Đặng Văn Ý…), nhiều em là sĩ quan cao cấp quân đội, công an( Cao Phi Hùng, Nguyễn Đình Sơn, …), có em là tiến sĩ ở Mĩ, ở Nhật( Nguyễn Cung, Nguyễn Văn Hoàng, Cao Anh Dũng), nhiều em là thạc sĩ giảng dạy ở các trường Đại học lớn, nhiều em làm ăn thành đạt( Nguyễn Văn Xê, Dương Luôn, Trần Văn Trung, Võ Thị Xuyên, …). Cái đáng quý nữa là tình cảm của các em đối với thầy cô, đối với nhà trường vẫn như ngày nào, dù mái đầu các em đã bạc, có em đã lên chức ông, chức bà hay có địa vị cao trong xã hội.

Sở dĩ ta có kết quả đó là do chúng ta đã tạo được mối quan hệ khăng khít giữa thầy và trò, sự gắn bó giữa trò và trò, lòng yêu trường, mến trường, thích đến trường để học, dù trường chưa được khang trang, còn thiếu thốn nhiều thứ. Mối quan hệ đó, sự hoạt động đó và tình cảm đó mà ngày nay ta gọi là “trường học thân thiện, học sinh tích cực” từ những ngày đầu xây dựng trường.

30 năm kiên trì thực hiện xây dựng ”trường thân thiện, học sinh tích cực” chúng ta đã đạt được nhiều kết quả và chứng minh chúng ta đã đi đúng hướng. Bài học đó có giá trị khi Bộ GD – ĐT phát động phong trào xây dựng “trường thân thiện, học sinh tích cực” hiện nay.

Năm tháng trôi qua, trường có nhiều thay đổi, số lượng học sinh tăng, số lớp tăng, đội ngũ giáo viên tăng, cơ sở vật chất của trường khá hơn, có 11 phòng học cấp 4, tuy là đơn sơ nhưng đã có tường rào cổng ngỏ, có đường đi, có phòng làm việc, có nhà tập thể giáo viên, nói chung cũng tạm gọi là trường học. Thầy và trò tiếp tục vừa dạy, vừa học, vừa lao động xây dựng trường. Trước tiên, giáo viên tăng gia sản xuất trồng mì, trồng rau, học sinh đào ao, trồng dừa, trồng khoai vừa cải tạo môi trường, vừa tạo cảnh quan, vừa cải thiện đời sống. Hằng ngày sau giờ học, thầy cô và học sinh cùng nhau bên luống rau, luống khoai và bên cây dừa chăm sóc, vun xới, bỏ phân và tưới nước như những người nông dân thực thụ. Hình ảnh thân thiện giữa thầy và trò thật đáng quí, hình ảnh hoạt động tích cực của học sinh góp phần rèn kĩ năng sống cho các em ngày nay khó mà tìm lại được.

30 năm từ con số không, bằng sức lao động, bằng sự chắt chiu tiết kiệm và đóng góp của thầy và trò chúng ta đã tạo nên một cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học, đồng thời chuẩn bị mặt bằng cho Nhà nước đầu tư xây dựng lớn. Song nếu không có sự đầu tư xây dựng của Nhà nước thì trường cũng không thể phát huy vai trò của mình và cũng khó phát triển. Vì vậy, Nhà trường đã nhiều lần làm tờ trình, luận chứng kinh tế kĩ thuật tranh thủ sự đầu tư xây dựng lớn, có Hiệu quả của Nhà nước. Mười lăm năm chuẩn bị mặt bằng và chờ đợi, niềm vui đã đến với trường, đến với thầy trò chúng ta, nhà trường được Nhà nước đầu tư xây dựng lớn. Hai dãy nhà lớp học 2 tầng ốp đá rửa 3 mặt khang trang mọc lên, nhà hiệu bộ, tường rào cổng ngõ đàng hoàng. Bộ mặt nhà trường thay đổi đẹp hơn, khang trang hơn, đầy đủ hơn. Nhưng cũng từ đây, nhà trường chuyển sang trang mới, nhập cấp 2 vào, tách hệ B ra và trường được mang tên đồng chí Nguyễn Trân, người Bí thư chi bộ Cửu Lợi, 1 trong 2 chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bình Định và Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Hoài Nhơn. Từ đó cái tên trường THPT Nguyễn Trân được mọi người biết đến bởi nề nếp và chất lượng giáo dục toàn diện, không những ở trong tỉnh mà còn vươn xa tận Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.


Thầy và trò tiếp tục viết nên những trang sử truyền thống của nhà trường với cái tên mới, vừa dạy và học ở cơ sở mới khang trang vừa xây dựng thêm những công trình bổ trợ góp phần hoàn chỉnh cơ sở vật chất của trường, tạo điều kiện giáo dục toàn diện học sinh. Chúng ta đã nâng tầng nhà hiệu bộ với tổng kinh phí 320 triệu đồng, xây dựng xây sân bê tông 120 triệu đồng, sửa hội trường, làm sân khấu, làm nhà để xe, làm sân thể dục, xây dựng ao cá, vườn sinh vật, vườn địa lý, .v.v….với giá trị hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra chúng ta mua sắm, trang bị máy móc hiện đại phục vụ tốt cho dạy, học và các hoạt động của nhà trường. Kết quả đem lại trường “xanh, sạch, đẹp”, khang trang, đầy đủ không những chúng ta có đủ điều kiện giáo dục toàn diện học sinh mà còn tạo cho các em yêu trường, mến trường, thích đến trường để học, để sinh hoạt và vui chơi. Cao hơn nữa là chúng ta đã dạy cho các em kĩ năng sống, biết sống chung, biết chăm lo cho tập thể, cho mọi người. Ngoài ra thầy cô giáo cũ, học sinh cũ hướng về trường, nhân kỷ niệm 20 năm, 25 năm, 30 năm thành lập trường, ủng hộ cho khuyến học, cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy vi tính, làm nhà truyền thống, .v.v…Tiêu biểu là thầy Trần Lâm, cô Phan Thị Hoàng Lan, công ty Hưng Thịnh và học sinh khóa 90 – 93… Vì vậy, bài học đưa lao động và hoạt động ngoài giờ lên lớp 30 năm qua nhà trường luôn luôn thực hiện, đem lại kết quả cao, tạo cho “nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” với mức độ cao hơn.

Ba mươi năm xây dựng và phát triển của trường, có sự đồng hành của hội phụ huynh học sinh, sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất luôn kịp thời, có hiệu quả, và sự đồng thuận về quan điểm giáo dục. Nhớ cụ Huân, vị chủ tịch hội đầu tiên, cùng nhà trường gõ cửa các nơi để xin tiền cho trường và vận động phụ huynh ủng hộ xây dựng trường trong bước đầu khó khăn. Nhớ cụ Nguyễn Xuân Cao, cụ Lương, cụ Mười Canh, cụ Hóa góp công góp của, góp trí tuệ để xây dựng trường và sửa nhà thờ A Sầu thành thư viện. Các cụ ra Bắc vào Nam và liên lạc ra nước ngoài vận động bà con về bốc mồ mả để xây dựng trường. Nhớ các cụ, các bác, các chú, các anh là các vị chủ tịch hội phụ huynh học sinh qua các thời kỳ như Đặng Đức Chư, Nguyễn Đình Liên, Nguyễn Tương, Cao Hữu Lộc, Trần Quang Tiến, Nguyễn Văn Tốt, Lê Văn Thông, Nguyễn Trọng Hướng, ..v.v…, cám ơn tất cả quý phụ huynh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà trường và xin ghi công đầu của quí cụ, quí bác, quí chú, quí anh vào trang sử vàng truyền thống của nhà trường.

Ba mươi năm xây dựng trường, là trường mới, chúng ta phải suy nghĩ tìm ra những quyết sách, những bước đi phù hợp để trở thành trường có chất lượng cao, có thương hiệu, theo kịp và vượt các trường đàn anh khác. Với quan điểm “kỷ cương nề nếp sinh chất lượng”, chúng ta đã kiên trì, âm thầm thực hiện nó. Đầu tiên chúng ta thực hiện đồng phục cả tuần trong trường, là trường đầu tiên nên lời ra tiếng vào, phản bác gay gắt của mọi người cho là tốn kém, bất tiện cho học sinh nông thôn.v.v…Song chúng ta quyết tâm làm, trước tiên giáo viên phải làm gương, nhà trường cấp cho nam quần áo vét tông, cà vạt và giày, nữ quần áo dài lên lớp. Học sinh nam quần xanh áo trắng, nữ áo dài trắng thực hiện cả tuần. Kết quả, nề nếp của nhà trường có sự chuyển biến rõ rệt, các em ngoan ngoãn, ngăn nắp, sạch sẽ đàng hoàng tự tin, giới tính có sự phân biệt để các em có ý tứ trong ứng xử và có sự thi đua trong học tập. Từ đó các thói hư tật xấu của các em giảm dần và chất lượng giáo dục được nâng cao. Còn các khó khăn bất cập của đồng phục, nhà trường khắc phục như làm phòng thay quần áo cho học sinh ở xa vào những hôm trời mưa, giúp đỡ cho những em gia đình khó khăn bằng cách thay mới hoặc vận động học sinh khác ủng hộ. Qua cách thực hiện mọi người đã chấp nhận, dư luận khen nhiều hơn, thực chất không tốn kém mà tránh được sự đua đòi và sự phân biệt giàu nghèo trong trường. Có thể nói những học sinh khóa trước khi thực hiện đồng phục về trách nhà trường sao thời các em học, thầy không cho mặc đồng phục, nhìn các lứa đàn em đi học mà tiếc. Thường về hè, về Tết các em nán lại thêm vài ngày để nhìn học sinh mặc đồng phục đi học rồi mới yên tâm đi học xa.


Trong việc thực hiện kỉ cương nề nếp, chúng ta đã nhận thấy muốn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện không có cách nào khác là thực hiện thi cử, kiểm tra, đánh giá và khen thưởng đúng, trung thực và công bằng. Gần 25 năm thực hiện và kể từ khi hưởng ứng cuộc vận động “nói và làm”(“NVL”) của đồng chí Nguyễn Văn Linh, phong trào “nói thật và làm thật” trong trường được dấy lên sôi nổi.

Trường tiếp tục thực hiện và hoàn thiện việc xây dựng “trường thân thiện, học sinh tích cực” bằng việc thực hiện chủ trương xây dựng nề nếp, thực hiện thi cử, kiểm tra, đánh giá và khen thưởng đúng, trung thực. Tuy nhiên, việc thực hiện không phải dễ, lời ra tiếng vào, khen chê đàm tiếu đủ cả, nào là các anh lên gân, không thức thời, nào là lập dị, nào là không thương học sinh, kể cả việc đe dọa thầy cô, đe dọa diệt học trò khi đi thi nên cũng làm cho một số giáo viên dao động, sợ thiệt học trò của mình nên bàn ra. Song, chúng ta vẫn kiên trì, âm thầm xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, không tiêu cực. Vì chỉ có thực hiện nó thì chất lượng giáo dục mới có cơ may phát triển, đồng thời qua đó giáo dục được cho các em tính trung thực và tính tự trọng để các em tự đứng trên đôi chân của mình bước vào đời.

Mở đầu chúng ta tổ chức kiểm tra nghiêm túc, công khai điểm của học sinh trước lớp, chống triệt để hiện tượng nâng điểm, cấy điểm hạn chế các tiêu cực trong việc đánh giá xếp loại học sinh, nên đầu tiên hơn 50 em không được dự thi tốt nghiệp. Tiếp đến chúng ta tổ chức thi tốt nghiệp an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế đúng nghĩa của nó, không thu tiền đãi giám thị, không tổ chức giải bài đưa vào phòng thi, quản lí không cho phụ huynh tự phát thu tiền đãi và quà cáp cho giám thị hòng mua sự dễ dãi trong coi thi. Đồng thời chú trọng hậu thi để phát hiện những tiêu cực trong việc coi thi của giáo viên và việc thi của học sinh, tội nhẹ thì nhắc nhở phê bình, tội nặng thì đề nghị trên kỉ luật hoặc rút bằng tốt nghiệp và cấm thi.

Có thể nói việc thực hiện “Minh bạch trong kiểm tra, thi cử, đánh giá và khen thưởng” đã đem lại kết quả vô cùng lớn lao cho chúng ta. Đội ngũ giáo viên Nguyễn Trân có tiếng nề nếp, coi thi nghiêm túc. Học sinh ta có tiếng học giỏi, ngoan và coi thi nghiêm túc. Các thầy cô giáo về coi thi tại trường đều bất ngờ về đạo đức và độ nghiêm túc của học sinh chúng ta đã phải thốt lên “trong tình hình thi cử hiện nay, độ nghiêm túc của trường thật lí tưởng” hay “các anh giáo dục sao hay vậy, trường chúng tôi chắc 20 – 30 năm mới theo kịp”… Từ việc coi thi tốt nghiệp là khâu giáo dục cuối cùng của trường phổ thông, rất quan trọng và có tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục toàn diện, chúng ta đã tạo nên phong trào học tập và rèn luyện trong học sinh, tạo nên chất lượng giáo dục toàn diện, cao và ổn định; thi tốt nghiệp luôn đạt ở mức trên 90%, nhiều năm trên 95% đến 100% ; thi đậu đại học nhiều; Nhiều em là học sinh giỏi tỉnh, thủ khoa tốt nghiệp, đặc biệt Nguyễn Hữu Hải đạt học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý hiện nay là tiến sĩ dạy ở Singapo, em Trương Duy Hướng học sinh giỏi quốc gia, đạt giải nhì môn Hóa được tuyển thẳng vào ĐHSP Qui Nhơn, do hoàn cảnh nên bỏ lỡ giữa chừng học tiến sĩ ở Hàn Quốc, tôi tin rằng em sẽ tự đứng lên để sớm được đi tu nghiệp tiến sĩ ở châu Âu; ngoài ra còn em Nguyễn Đình Tuyên dạy ở ĐH Bách Khoa TP.HCM đang tu nghiệp tiến sĩ ở Hàn Quốc.v.v…Và còn nhiều em tốt nghiệp đại học, thạc sĩ đang giảng dạy ở các trường đại học có tiếng, hoặc đang đảm nhiệm các công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể của các tỉnh thành trong cả nước; nhiều em làm ăn thành đạt, là các doanh nhân như em Nguyễn Đình Trung, Nguyễn Văn Cường, Đỗ Luôn(Thành Luân) và nhiều em ở khóa 90 – 93.v.v…

Ba mươi năm xây dựng trường, chúng ta đã đào tạo hơn 7000 học sinh tốt nghiệp ra trường, nhiều em đã thành danh, thành đạt và thành tài. Điều đáng mừng là dù các em học lên hay các em ở lại địa phương, các em điều tự khẳng định mình và đứng vững trên đôi chân của mình. Bởi vì chúng ta không sính thành tích, không sính các danh hiệu, đậu tốt nghiệp bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là học sinh chúng ta đậu có đúng hay không? Học sinh chúng ta có kĩ năng sống và thành đạt hay không? Nhà trường, các thầy cô giáo luôn dõi theo các em học sinh của mình, mừng khi các em thành đạt, lo khi các em còn lận đận vất vả hay vấp ngã, và thầy cô tin rằng các em sẽ tự đứng dậy vươn lên.

Ba mươi năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta đã có được những kết quả bước đầu, đó là công lao của chung thầy và trò chúng ta. Bước vào năm thứ 31, Nhà nước tiếp tục đầu tư lớn xây dựng 6 phòng học 2 tầng và 6 phòng bộ môn 2 tầng tạo cho trường ta khang trang hơn, đầy đủ hơn. Phát huy các bài học của 30 năm qua, chúng ta vừa thực hiện kỉ cương nề nếp, làm ăn trung thực, nói thật, làm thật vừa góp phần xây dựng thêm khu nhà vệ sinh 2 tầng hiện đại, dãy hành lang nối các lớp học, nâng cấp dãy nhà vi tính.v.v…Để trường chúng ta mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ thầy cô giáo, các thế hệ học sinh đã từng sống, làm việc và học tập tại ngôi trường THPT Nguyễn Trân – Hoài Nhơn 2.

 

 

 

Ý kiến của bạn

Góc ảnh đẹp
Xem tất cả