Người H’re quan niệm về cái chết cũng thật nhẹ nhàng theo quy luật: “Sinh - Lão - Bệnh - Tử”; và chết đi sẽ bắt đầu một đời sống khác.
Quan niệm về cái chết
Do vậy mà từ xa xưa ta thấy dưới mỗi ngôi nhà sàn thường có một hoặc hai cỗ quan tài bằng gỗ, là một khúc cây to, được đẽo rỗng trong ruột, có nắp đậy, hình thuyền. Đó là khâu chuẩn bị quan trọng của gia đình dành cho người già khi biết người già sắp về với tổ tiên (chết thiêng).
Cho đến nay, với những cái chết xấu, người H’rê vẫn phải tuân thủ nghi thức này. |
Người H’rê chết sẽ được đặt trên nhà sàn (hoặc nhà xây mới bây giờ). Nếu là người chủ gia đình thì sẽ được đặt tại một nơi trang trọng nhất trong nhà. Mỗi khi trong làng (Plây) có người chết, mọi người đến viếng đều mang theo rượu, gạo, có khi cả một con gà để giúp cho gia đình và để chia cho người chết.
Bên cạnh người chết thường để sẵn rượu, cơm, thịt và muối. Người đến viếng lấy rượu, cơm, thịt bỏ vào miệng người chết một chút làm phép, rồi sau đó tự mình uống. Đó là lần ăn uống cuối cùng với người chết, rồi lăn ra khóc trong cuộc chia li vĩnh viễn. Tùy theo mối quan hệ huyết thống hoặc tùy vào công đức của người chết lúc còn sống mà người ta khóc than, kể lể nhiều hay ít.
Trong ngày đưa tang, bà con, họ hàng, làng xóm từ già đến trẻ cùng đi theo đưa tang. Phụ nữ thì luôn hát những bài hát khóc kể về tài, đức, công lao... của người vừa chết. Người chết sẽ được chôn trong “rừng ma” (Krăng năn). Đây là nghĩa địa, là nơi chôn cất những người chết. Là một nơi rất linh thiêng mà những người còn sống, từ già đến trẻ không ai dám đặt chân đến (trừ khi có người chết mới). Rừng ma được dân làng chọn đặt ở những nơi hoang vắng, cách xa khu dân cư…
Khi chôn cất, làm nhà mồ và “chia của” xong, những người đưa đám mới quay trở về. Riêng gia đình nhà có người chết thì sau đó phải kiêng cữ nhiều điều, như không được sang nhà người khác vào dịp lễ tết, không đánh đàn, đánh chiêng, múa hát trong một năm...
Thịt trâu trong lễ đâm trâu chia của (thường của những cụ già có sự chuẩn bị trước hoặc nhà giàu); hay thịt bò, lợn, gà trong đám tang sẽ được chế biến làm thức ăn cho họ hàng, chia phần cho thầy cúng và những người đến giúp lo tang lễ... Người H’rê đến chia buồn thường ăn cơm, uống rượu tại chỗ; ăn không hết tuyệt đối không được mang về, vì theo họ đây là phần thịt của “ma”. Theo tập tục, người sống chỉ đưa người chết đến rừng ma chôn cất một lần rồi thôi. Sau đó không cúng giỗ gì nữa và người sống cũng không được phép đến nghĩa địa. Chính vì thế nên những người chết được họ xem là đã thành “ma” và nơi chôn họ được gọi là “rừng ma”.
“Nhà mồ” người H’re.
“Nhà mồ”, nhà ma, tiếng H’rê là Nim năn. Là những ngôi nhà cao khoảng chừng 1m, được làm bằng cây gỗ, mái lợp ngói (ngày xưa lợp bằng tranh, lá). Chung quanh có cắm những cây rừng cao ngang nóc nhà, trên cây treo những vật dụng đã được “chia” như: gùi, xoong nồi, nón, giỏ, rựa, dao, võng, túi xách,… Dưới đất đặt những cái ché, hũ sành, nồi đồng… là những vật dụng mà người chết dùng khi còn sống. Người H’rê vẫn còn tục chia tài sản cho người chết, gọi là chia của. Lúc còn sống, họ làm lụng, sinh hoạt và gắn bó với những vật dụng gì thì khi chết phải chia cho họ, để họ xuống “âm phủ” có cái mà làm ăn.
Ngôi nhà mồ của người H’rê.
Với người H’rê, nhà ma có từ rất lâu đời. Những ngôi mộ từ khi bỏ mả rồi thì không ai vào thăm lại nữa. Ngày xưa, người H’rê bỏ mả sau 3 năm cúng đàng hoàng, sau đó từ biệt luôn. Trong vài ngôi nhà ma, phía dưới thấp còn có một ngôi nhà nhỏ úp lọt thỏm trong ngôi nhà lớn, trên nóc nhà và hai mái có vẽ nhiều hoa văn. Theo người H’rê: Nhà của người giàu mới có căn nhà nhỏ phía dưới. Hoa văn trên nóc là biểu hiện của lá rừng. Da con kì đà được căng làm nền cho thân ngôi nhà và dùng máu heo bôi lên. Những vòng tròn trên nền nhà là biểu hiện cho đốm vằn của con hổ. Nét ngoằn ngoèo lên cao xuống thấp phía dưới đó là núi. Nửa vòng tròn là mặt trăng. Một vòng tròn có nhiều tia phủ bên ngoài là mặt trời. Tiếp đó là khúc xương người và cái võng… Những nét hoa văn ấy được viền đậm nhạt bằng máu heo hoặc bò. Ngày xưa, xác người nhà giàu không chôn dưới đất mà được treo lên những cây trụ lõi. Người giàu khi chết cũng được ở cao hơn người nghèo, họ cứ treo như thế cho đến khi nào dây rừng mục nát, đứt, hòm tự rơi xuống huyệt mộ đã đào sẵn thì người ta mới lấp mộ. Người giàu thì hòm chôn được làm bằng gỗ lim. Hòm chôn treo ở trên, phía dưới đào lỗ sẵn.
Những người nhà nghèo hay nhà bình thường thì được chôn bằng hòm làm từ gỗ cây xương mộc hoặc cây rừng khác giá trị thấp hơn. Xác của con nít mới sinh bị chết cũng không chôn dưới đất mà bỏ vào trong gùi giỏ, xà đát, phủ lá cây rừng và cũng được treo như người nhà giàu cho đến khi tự rớt…
Những kiêng kỵ dành cho người chết bất đắc kì tử
Vẫn biết chết là hết, là sự bắt đầu cho một sự sống khác nhưng với những người chết “bất đắc kì tử”: chết nước, sét đánh, tai nạn giao thông, tự tử…(gọi là chết xấu); thì khi đưa tang, chôn cất xong người H’rê phải “làm phép” để trừ khử những rủi ro, hệ lụy sau này.
Cùng với việc đưa tang, chôn lấp bên trong rừng ma; những trường hợp chết xấu, ngoài bìa rừng dân làng phân công, cắt cử người chuẩn bị những nghi lễ cúng bái... Thanh niên trai tráng chặt cây trúc hoặc lồ ô làm một cái vòm cổng. Lễ vật gồm một con gà trắng, trầu cau, vôi, rượu, lá ráy, chai chò (nhựa cây chò)…
Thầy cúng bắt đầu những nghi thức cúng trừ xui xẻo; thầy cắt tiết gà đổ lên lá ráy và cúng xoái. Bài cúng nói rằng: Plây ta có người chết oan là do “oan hồn” của ma bắt phải chết, cái chết không được báo trước nên để lại nỗi đau buồn khôn xiết cho gia đình và người thân. Người chết bất đắc này chắc chắn cũng không siêu thoát được do vậy mà có thể thành ma hại đến người khác trong làng… Lễ cúng trừ là cách xua đi vong yểu mệnh, không cho vong lẫn khuất trong làng gây hại về sau.
Sau lễ cúng, mọi người lần lượt đi qua cổng, bước qua xác con gà trắng, hơ chân trên lá ráy đặt trên vỉ tre, trúc đã được trét máu gà. Ở đó có hai người đàn ông cầm sẵn hai bó đuốc đang cháy rực; mỗi khi có người đi qua, họ dùng bột chai chò quăng lên ngọn đuốc làm cho lửa cháy bùng hơn và tạo ra những tiếng nổ lách tách để xua đi tà ma, ám khí. Theo người H’rê, người nào qua cổng mà bị lửa cháy bám vào áo quần là người đã bị “vong ám”, người này về nhà nhất định phải mời thầy cúng thêm lần nữa. Có như thế mới trừ khử được những rủi ro, không may mắn đeo bám bên mình. Cho đến nay, với những cái chết xấu, người H’rê vẫn phải tuân thủ nghi thức này. Ai đưa tang về cũng phải đi qua cổng lửa. Nếu không thì không yên tâm…
Ngày nay cùng với thời gian và sự phát triển chung của xã hội; một số hủ tục lạc hậu đã giảm nhiều, tại lễ tang không còn ăn uống tốn kém và kéo dài thời gian như xưa. Song, một số lễ tục vẫn còn lưu giữ. Đặc biệt với những trường hợp chết xấu, người H’rê vẫn phải cúng “giải oan” để cho người sống thanh thản cõi lòng. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện và thận trọng, tránh áp đặt hoặc can thiệp một cách “thô bạo” vào thế giới tâm linh của đồng bào.
Theo baobinhdinh.com.vn